câu chuyện huyền sử tên làng lực giá

 

Khi tôi còn nhỏ, thường nghe các cụ già trong làng kể về cái thời xa xưa, khi làng chúng ta còn được gọi là làng Văn Phú Phường. Trong làng, có một cụ tổ tên là Đạt, là người thanh niên khỏe mạnh nhất, chuyên đi mò cua bắt ốc. Một ngày kia, khi đang lặn lội bên sông, cụ gặp một người đàn ông cưỡi ngựa, mặc áo giáp, dáng vẻ hốt hoảng chạy đến bờ sông, phía xa có rất nhiều binh lính đuổi theo. Người ấy ngồi trên ngựa ngửa mặt lên trời  than rằng: "Chẳng lẽ ta lại bỏ mạng ở đây sao ,trời ơi ! có ai cứu ta không?"

Lúc đó, cụ tổ của chúng ta từ dưới sông nói vọng lên: "Ông bỏ ngựa trên đấy xuống đây, tôi cõng ông qua sông." Với sức vóc của một  lực điền, cụ đã nhanh chóng đưa vị tướng quân qua sông , giúp ông ta thoát chết trong gang tấc. Khi sang đến bờ bên kia, vị tướng quân mới bảo: "Mai ngày sự nghiệp của ta thành công, nhà ngươi cứ vào triều đình, ta sẽ ban thưởng cho."

Nghe thấy vậy, cụ tổ nhà ta liền nói với tướng quân: "Tôi cứu ông chỉ vì thấy ông gặp nạn mà thôi. Mai ngày ông thành sự nghiệp, chắc ông không còn nhận ra tôi đâu ."

Lúc đó, tướng quân mới nói ta đã có cách: Ông đưa tay xuống bùn và với bàn tay lấm đầy bùn đất, ấn vào lưng cụ tổ nhà ta. Lúc bấy giờ, Cụ tổ nhà ta mặc áo nâu sồng,Cái thứ màu nâu được Nhuộm bằng củ nâu trên rừng, nên khi tiếp xúc với bùn, dấu vết sẽ lưu lại mãi không thể giặt sạch. Vị tướng quân mới bảo: "Nhà ngươi vào triều đình thì cầm theo chiếc áo đang mặc, ta sẽ nhận ra nhà ngươi."

Sau này, vị tướng quân ấy đã thành công trong sự nghiệp của mình và trở thành vua, chính là vua Lê Lợi.

Và thế là một ngày đẹp trời, cụ tổ của chúng ta mặc chiếc áo có vết tích nhà vua vào triều đình, lĩnh thưởng quân lính nhất định không cho vào, cụ liền đưa cho anh lính chiếc áo và nói: "Các anh hãy mang chiếc áo này vào cho đức vua. Chắc chắn ngài sẽ biết ta là ai."

Đức vua đã nhận ra người cứu mình và ban thưởng cho ân nhân. Cụ không nhận bổng lộc quan chức, chỉ xin được đổi tên làng từ làng Văn Phú Phường thành làng Lực Giá, có nghĩa là có sức lực cứu giá vua.(Tuy nhiên đoạn này cũng có cụ kể với tôi là tên  làng Lực Giá là do nhà vua ban cho) Và xin nhà vua ban ruộng đất để con cháu sau này có đất cày cấy. Nhà vua hỏi : vậy nhà ngươi muốn bao nhiêu đất, cụ tổ liền trả lời: “Thần chỉ dán xin ngài ban cho một bóng cờ.” Đức vua đồng ý thế rồi. Buổi sáng hôm ấy, thuyền của nhà vua đậu bên bờ sông. Đáy bóng cờ trên thuyền được ánh bình minh chiếu thành một vệt dài trên cánh đồng  hướng về phía làng Lực Giá. Cụ tổ của chúng ta đã được ban thưởng hẳn một cánh đồng bát ngát. Ngày nay, cánh đồng vẫn được gọi với cái tên cổ xưa Đồng Chiếu, có nghĩa là cánh đồng được chiếu từ bóng cờ của vua.

Làng Lực Giá ngày ấy đã trải qua bao năm tháng tách ra nhập lại bao lần đổi tên bây giờ có tên là xã Ninh Mỹ.

Tôi lớn lên bước vào đời với hành trang mang theo có cả câu chuyện huyền sử về cái tên LÀNG LỰC GIÁ. Khi ấy trong tôi, câu chuyện chỉ như một giai thoại. Người trong truyện có thể có thật cũng có thể chưa có bao giờ. Thế rồi một lần đem câu chuyện này kể cho một phóng viên báo đời sống, anh bạn phóng viên này thấy câu chuyện hấp dẫn mới cùng tôi đi tìm hiểu sự thật.

Và chúng tôi đã biết, câu chuyện này là có thật. Cụ tổ của chúng tôi sau này được làng lập miếu thờ (ngày nay ngôi miếu vẫn còn ở xóm thạch tác xã Ninh Mỹ gần núi Soi) và được vua sắc phong thành hoàng làng Lực Giá đạo sắc phong còn lưu truyền đến ngày nay. Ngôi miếu của ngài có tên là miếu Cụ Đội, có lẽ vì Ngài có sức cõng vua đội vua nên được gọi là cụ  Đội.

Theo anh bạn phóng viên, cụ tổ của tôi là một anh hùng, một người góp phần tạo nên lịch sử nước ta. Tôi thì bảo anh ấy nói quá, anh ấy lý luận rằng nếu như lần ấy Lê Lợi không được cứu thì nước ta vẫn bị giặc Minh đô hộ, và lịch sử nước ta sẽ khác...

Tôi lại vẫn băn khoăn: Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, sao lại ra đến đây nhỉ? Nhưng anh phóng viên kia bằng sự hiểu biết của mình đã giải thích cho tôi rất cặn kẽ về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi không chỉ đánh giặc  Thanh Hóa mà Lam Sơn Thanh Hóa chỉ là nơi bắt đầu của cuộc khởi nghĩa. Để có thể đánh đuổi được giặc Minh, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi có mặt ở khắp các mặt trận trên toàn quốc. Những ngày đầu nghĩa quân chưa đủ mạnh trận thắng trận thua là bình thường. Vậy mới có chuyện  Lê Lai quên mình cứu chúa. Nghe giải thích thế, tự nhiên trong tôi cảm thấy tự hào mình là con cháu của một anh hùng, Đáng ra là làng ta phải được  Phong là làng anh hùng từ thời ấy chứ nhỉ ….

Xã Ninh Mỹ một xã đã được nhà nước phong tặng xã anh hùng. Nghe nói tới đây lại được trả lại phần đất trước đây đã tách ra để thành lập thị trấn Thiên Tôn, và xã Ninh Mỹ lại được đổi tên thành phường Thiên Tôn. Vì các lãnh đạo cho rằng thành phố Hoa Lư tương lai để chở thành thành phố Cố Đô di sản, thì đương nhiên phải có Phường Thiên Tôn. Vì Thiên Tôn là cửa ngõ vào Kinh Thành Hoa Lư. Lực Giá rồi Đại Thành rồi Ninh Mỹ, rồi tới đây là Thiên Tôn... Bất cứ cái tên gì, thì tôi vẫn tự hào mình là người con của làng Lực Giá.

Câu chuyện về cụ tổ của làng đã trở thành một phần không thể thiếu của lịch sử xã Ninh Mỹ và được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Mỗi chi tiết, qua năm tháng dù có thể bị mờ nhạt theo thời gian, nhưng nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc ghi nhớ và tôn vinh công lao của cụ tổ Đội Đạt, người đã góp công lớn vào việc bảo vệ vương triều và xây dựng đất nước.

Đúng là những câu chuyện cổ tích, hay sử bao giờ cũng đựng những giá trị văn hóa, lịch sử quý báu, là nguồn cảm hứng cho thế hệ sau. Chúng ta cần biết giữ gìn và truyền dạy những giá trị đó để không quên nguồn cội và tôn vinh công lao của những người tiền bối.

Chuyên mục: